Cây cơm rượu dùng làm thuốc giúp tiêu hóa, phục hồi sức khỏe của phụ nữ sau khi sinh, làm thuốc tiêu sưng, giảm đau, trừ thấp. Dùng ngoài chữa mụn nhọt.
Tên khác: Bưởi bung
Tên khoa học: Glycosmis pentaphylla Corr. Syn. Glycosmis cochinchinensis (Lour) Pierre, họ Cam (Rutaceae). Cây mọc ở nhiều nơi trong nước ta.
Mô tả: Cây cơm rượu nhỏ, cao 1-3m, cành đỏ nhạt, nứt nẻ. Lá kép gồm từ 3-7 lá chét, dài khoảng 6cm, rộng từ 2-5cm, mép nguyên hoặc hơi răng cưa. Hoa mọc thành chùm tán ở đầu cành hoặc kẽ lá phía ngọn cây, màu trắng hay trắng xanh nhạt. Qủa hình cầu như quả quất, khi chín có màu hồng.
Bộ phận dùng: Rễ và lá, dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hóa học chính: Cành, lá chứa tinh dầu, alcaloid (dictamin, skimmiamin).
Công dụng: làm thuốc giúp tiêu hóa, phục hồi sức khỏe của phụ nữ sau khi sinh, làm thuốc tiêu sưng, giảm đau, trừ thấp. Dùng ngoài chữa mụn nhọt.
Cách dùng, liều lượng: ngày 6-16g lá khô, dạng thuốc sắc.
Cây cơm rượu - Glycosmis cochinchinensis (Lour) Pierre
Bài thuốc:
1. Chữa phụ nữ kém ăn, vàng da sau khi sinh: Lá cơm rượu 10g, sao vàng thêm 400ml nước, sắc đến khi còn khoảng 200ml, uống trong ngày.
2. Chữa cảm sốt, ho: Lá cơm rượu, lá Bạc hà mỗi thứ 15g, sắc chia làm 2, uống trong ngày.
3. Chữa phong thấp, đau nhức mình mẩy, khớp xương: Rễ cơm rượu, rễ Cốt khí, rễ Cỏ xước, rễ Độc lực, củ Kim cang, Dây đau xương, hoa Kinh giới, Xuyên tiêu mỗi thứ 20g, sắc đặc uống. Nếu tay chân đau nhức thêm Uy linh tiên, Rễ gắm, Thiên niên kiện. Nhức xương nhiều thêm rễ Tầm xuân, Cà gai leo mỗi vị 20g.
4. Chữa mụn ổ gà mọc ở bẹn, nách, thối loét lâu ngày: Lá cơm rượu, Lá Thổ phục linh một nắm, lá Ổi một nắm, rửa sạch cả 3 vị, thái nhỏ, lấy lá chuối non hơ cho mềm, gói thuốc lại, to nhỏ tùy theo mụn nhọt. Mặt nào định đặt lên mụn thì châm nhiều lỗ cho nước dễ thấm vào mụn.
Chú ý: Cây bài bái (Acronychia laurifolia Blume) cũng dùng làm thuốc với tên gọi Bưởi bung.
No comments:
Post a Comment